LỊCH SỬ VÀ THÀNH TÍCH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN MAY THĂNG LONG
I – CÔNG TY MAY THĂNG LONG HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Ngày 08/5/1958 Bộ Ngoại thương đã chính thức ra Quyết định thành lập Công ty may mặc xuất khẩu, thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tập phẩm, đồng chí Trần Văn Thống được Bộ cử về làm Chủ nhiệm Công ty. Hai đồng chí Nguyễn Văn Thao và Nguyễn Văn Liên được cử làm Phó chủ nhiệm. Trụ sở Văn phòng Công ty đóng tại số nhà 15 phố Cao Bá Quát – Hà Nội. Ngay sau khi thành lập, Công ty đã nhận 20 công nhân có tay nghề cao được chọn lọc từ các cơ sở may trong đó có 8 cán bộ quân đội chuyển ngành. Tổng số cán bộ, công nhân ngày đầu của Công ty là 28 người.
Cũng trong thời gian này, ngày 10/8/1958 chi bộ Đảng Công ty được thành lập Chi bộ có 15 đảng viên, ban chấp hành có 3 đồng chí, do đồng chí Trần Văn Thống làm bí thư. Chi bộ Đảng công ty trực thuộc Đảng bộ, Bộ ngoại thương.
Tháng 7 năm 1961, Công ty chuyển điạ điểm làm việc về 250 phố Minh Khai, thuộc khu phố Hai Bà Trưng nay là Quận Hai Bà Trưng, là trụ sở chính của Công ty ngày nay.
Tháng 11 năm 1961 Đảng bộ Công ty được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của Công ty. Đảng bộ có 96 đảng viên, tổ chức 6 chi bộ. Ban chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Liên được bầu làm Bí thư. Đến năm 1962 Đảng ủy Công ty May mặc xuất khẩu được chuyển tổ chức về Đảng ủy khu Hai Bà Trưng quản lý.
Tháng 3/1963 đồng chí Trần Văn Thống, chủ nhiệm Công ty được Bộ điều nhận công tác mới, đồng chí Nguyễn Như Huỳnh được cử về thay. Ngày 31/2/1968 đã tách bộ phân gia công thành đơn vị sản xuất độc lập, với tên gọi Công ty gia công may mặc xuất khẩu. Còn Công ty may mặc xuất khẩu, đổi thành Xí nghiệp may mặc xuất khẩu. Ban chủ nhiệm đổi thành Ban Giám đốc, đồng chí Nguyễn Xuân Chuyên được Đảng ủy khu Hai Bà Trưng điều về làm bí thư Đảng ủy xí nghiệp thay cho đồng chí Bùi Xuân Liêm.
Thánh 6/1968 UBND Thành phố Hà Nội hoàn trả cho Cục quản lý sản xuất của Bộ ngoại thương. Bộ cử đồng chí Nguyễn Thị Hiền về làm giám đốc xí nghiệp thay cho đồng chí Nguyễn Văn Liên.
Đầu năm 1969 Bộ ngoại thương lại có quyết định sát nhập Công ty gia công may mặc với xí nghiệp, thay cho đồng chí Nguyễn Thị Hiền.
Đại hội Đảng bộ xí nghiệp năm 1970 bầu Ban chấp hành bộ mới, đồng chí Trần Văn Thống, Giám đốc được tín nhiệm bầu làm Bí thư thay Đồng chí Nguyễn Xuân Chuyên được trên điều động nhận công tác mới.
Cuối năm 1971 chấp hành quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ ngoại thương bàn giao các cơ sở may mặc xuất khẩu sang Bộ công nghiệp nhẹ quản lý. Tháng 5- 1972 giám đốc Trần Văn Thống được Bộ điều về nhận công tác mới, đồng chí Huỳnh Bá Hiệu, phó giám đốc xí nghiệp được cử làm giám đốc.
Năm 1979, xí nghiệp được Bộ Quyết định đổi tên mới: xí nghiệp May Thăng Long. Đồng chí Hoàng Văn Cống, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp may mặc được Bộ cử về làm Giám đốc xí nghiệp thay đồng chí Huỳnh Bá Hiệu nghỉ hưu.
Năm 1980 đồng chí Hoàng Văn Cống nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Minh Hoán, Phó Giám đốc xí nghiệp được bổ nhiệm làm Giám đốc.
Ghi nhận chặng đường phấn đấu 25 năm của Xí nghiệp, năm 1983 Nhà nước đã trao tặng xí nghiệp May Thăng Long: Huân chương Lao động hạng Nhì.
Năm 1986 xí nghiệp được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cũng trong năm này đồng chí Nguyễn Minh Hoán Giám đốc xí nghiệp được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Trần Đức Thịnh phó giám đốc được cử làm Giám đốc từ tháng 7 năm 1987 đến tháng 7 năm 1988, thì được điều về Liên hiệp các xí nghiệp may. Đồng chí Lê Văn Hồng được cử về làm giám đốc thay cho đồng chí Trần Đức Thịnh.
Liên tục trong 3 năm, 1990, 1991, 1992 xí nghiệp đã từng bước sắp xếp lại sản xuất, tổ chức lại lao động theo Quyết định 176 và 217 của Hội đồng Bộ trưởng. Trước đây việc bố trí sản xuất vẫn thường tách rời công đoạn: Cắt, may, là, đóng gói, đóng hòm, theo từng đơn vị sản xuất khác nhau, khiến năng suất thấp, lãng phí lao động, chu kỳ sản xuất kéo dài, nay xí nghiệp đã tổ chức lại sản xuất theo dây chuyền khép kín. Các công đoạn sản xuất được thực hiện trọn vẹn trong một đơn vị sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, đưa năng suất ngày một cao. Đi đôi việc sắp xếp lại sản xuất và lao động, bộ máy tổ chức và quản lý cũng được tinh giảm. Các phòng nghiệp vụ giảm một nửa, từ 14 phòng còn 7 phòng, tỷ lệ lao động gián tiếp từ 18,5 xuống còn 8%.Qua tổ chức lại sản xuất, năng lực sản xuất được nâng cao. Năng suất lao động tăng 20% trong khi đã giải quyết được trên 300 lao động dôi dư.
Tháng 6/1992, xí nghiệp được Bộ Công nghiệp nhẹ, cho phép được chuyển đổi tổ chức xí nghiệp thành Công ty và giữ nguyên tên “Thăng Long”.Công ty May Thăng Long ra đời, đồng thời cũng là mô hình Công ty đầu tiên trong các xí nghiệp may mặc phía Bắc, được tổ chức thực hiện theo cơ chế đổi mới
Năm 1993 Công ty đã thành lập Trung tâm thương mại và giới thiệu sản phẩm tại 39 Ngô Quyền, Hà Nội với diện tích trên 300m2, đây là cửa hàng lớn đầu tiên giới thiệu và bán sản phẩm may mặc của một doanh nghiệp Nhà nước. Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 800 triệu đồng mua 16.000m2 đất tại Hải Phòng, xây dựng một xưởng may thu hút hàng trăm lao động tại chỗ, làm ăn có hiệu quả, và cũng trên mặt bằng này Công ty đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng khu Kho Ngoại quan và xưởng sản xuất ống ghen nhựa tạo thế chủ động, tiết kiệm trong sản xuất và vận chuyển.
Năm 1996 Công ty đầu tư 6 tỷ đồng để cải tạo nhà xưởng, mua sắm thiết bị mới, thành lập Xí nghiệp may Nam Hải tại thành phố Nam Định trực thuộc Công ty quản lý đã thu hút hơn 250 lao động góp phần giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho đơn vị bạn. Ngoài việc duy trì với các khách hàng cũ, Công ty mở thêm mối quan hệ với một số khách hàng mới như Mangharms (Hồng Kông), Texline (Singapore), Takarabuve (Nhật), Senhan (Hàn Quốc), Seidenticker (Đức) nên đã giảm bớt được khó khăn so với các năm trước về tạo thêm nguồn hàng.
Năm 1997, Công ty vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng ba.
Năm 2000 Công ty thực hiện nhiệm vụ do Tổng Công ty dệt may Việt Nam giao cho tham gia xây dựng Công ty may liên doanh Bái Tử Long trên địa bàn thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) giải quyết việc làm cho hơn 700 công nhân mỏ và địa phương, đồng thời tăng thêm năng lực sản xuất và kim ngạch xuất khẩu cho ngành than.
Năm 2000 Công ty được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba cho công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình Huân chương chiến công hạng nhất cho tiểu đoàn tự vệ Công ty.
Hệ thống quản lý chất lượng của Công ty được BVQI (Vương Quốc Anh) công nhận và cấp chứng chỉ ISO9001: 2000.
Năm 2001, Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nhà máy may Hà Nam với tổng số vốn đầu tư trên 30 tỷ. Từ tháng 01/2003 nhà máy đã chính thức đi vào sản xuất và xuất khẩu được 45.000 sản phẩm vào các thị trường EU, Mỹ, Israel…
Năm 2002, Công ty được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhì, tổ chức Công đoàn được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba. Cá nhân đồng chí Tổng giám đốc được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì, Chủ tịch Công đoàn Công ty tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba. Ba đồng chí được Thủ tướng Chính phủ và bảy đồng chí được Bộ trưởng Bộ công nghiệp tặng bằng khen…
II-CÔNG TY MAY THĂNG LONG HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN
Tháng 10/2003, thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ, Công ty May Thăng Long chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với 51% vốn nhà nước. Tổng công ty Dệt may Việt Nam cử ông Vũ Đức Thịnh làm chủ tịch Hội đồng quản trị công ty và Ông Khuất Duy Thành được bầu làm Tổng giám đốc công ty.
Đến tháng 01/2006 Ông Khuất Duy Thành chuyển công tác, Tổng công ty Dệt May Việt Nam cử ông Hoàng Vệ Dũng về làm Tổng Giám đốc Công ty.
Sau 03 năm cổ phần với 51% vốn nhà nước, đến tháng 01/2007 công ty thực hiện việc đấu giá bán cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước để chuyển thành Công ty cổ phần May Thăng Long 100% vốn thuộc các cổ đông ngoài nhà nước.
Kể từ tháng 10/2007 Ông Đặng Xuân Trường – người có nhiều nhất % cổ phấn của Công ty được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Thăng Long. Trong thời gian này Công ty có chủ trương chuyển đổi cơ cấu hoạt động sang thị trường Bất động sản, xây dựng Dự án: Chung cư cao tầng và trung tâm thương mại – Văn phòng tại trụ sở chính Số 250 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Đến tháng 06/2011 Ông Đặng Xuân Trường chuyển công tác. Ông Đỗ Đình Thu được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty – là người đại diện theo Pháp Luật và Các thành viên Hội đồng quản trị bao gồm:
- Ông Đỗ Đình Thu – Chủ tịch HĐQT
- Ông Lê Văn Hồng – Phó Chủ tịch HĐQT
- Bà Vũ Thị Liên – Uỷ viên HĐQT
- Ông Vũ Văn Tâm – Ủy viên HĐQT
- Bà Nguyễn Quế An – Ủy viên HĐQT
Đến nay số lượng thành viên Hội đồng quản trị của công ty đã thay đổi, các thành viên HĐQT bao gồm:
- Ông Đỗ Đình Thu – Chủ tịch HĐQT
- Bà Vũ Thị Liên – Uỷ viên HĐQT
- Bà Trần Thu Hoài – Ủy viên HĐQT
Xin chào, đây là một bình luận
Để bắt đầu với quản trị bình luận, chỉnh sửa hoặc xóa bình luận, vui lòng truy cập vào khu vực Bình luận trong trang quản trị.
Avatar của người bình luận sử dụng Gravatar.